Cách sơ cứu cơn hen suyễn bạn cần biết

Hen suyễn là một căn bệnh đường hô hấp khá phổ biến, dễ dàng tái phát và có thể đe doạ tới tính mạng của người bệnh. Khi bệnh nhân lên cơn hen suyễn, việc đầu tiên chúng ta cần làm là sơ cứu họ một cách nhanh chóng để giảm thiểu rủi ro nhất có thể.

>>> Khám phá thêm

1. Dấu hiệu của cơn hen cấp tính

Cơn hen suyễn đặc trưng bởi các dấu hiệu: ho khan, thở khò khè, khó thở, đau hoặc cảm thấy nặng ngực. Những triệu chứng này xuất hiện đột ngột, phần lớn xảy ra sau các tác nhân như: gắng sức quá mức, tiếp xúc với các chất dị ứng (khói bụi, khói thuốc, các chất tẩy rửa,…), sự thay đổi của thời tiết, nhiễm virus hô hấp.

 

Cách sơ cứu cơn hen suyễn bạn cần biết

                 Cần nắm vững những dấu hiệu của cơn hen suyễn để có biện pháp xử lý kịp thời

 

Những triệu chứng báo trước của cơn khó thở do hen sắp xuất hiện là:

  Ngứa họng

  Ngứa mũi

  Hắt hơi

  Ho

  Chảy nước mắt, nước mũi

Sau những dấu hiệu đó, người bệnh có hiện tượng thở khò khè nặng ngay cả khi hít vào lẫn thở ra, ho liên tục, thở rất nhanh.

Nếu nhận biết và điều trị kịp thời thì triệu chứng khó thở sẽ cải thiện sau vài phút đến vài giờ. Nếu chậm trễ, các triệu chứng nặng hơn như: đau ngực, nặng ngực, khó nói, cảm giác lo âu, bất an, mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, tím môi và đầu ngón. Nếu những tình trạng trên kéo dài, người bệnh sẽ bị giảm oxy trong máu, dẫn đến thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức… và có thể tử vong.

2. Các bước sơ cứu

Bước 1

Lập tức đưa người bệnh rời khỏi tác nhân kích động cơn hen đến nơi thoáng khí, không tập trung nhiều người quanh

Bước 2

Làm ấm cơ thể người bệnh, tránh điều hòa, quạt ẩm

Bước 3

Đỡ người bệnh ngồi dậy hoặc nằm kê cao nửa người (trên giường), giúp người bệnh dễ thở hơn rất nhiều. Tuyệt đối không xoa hay vuốt ngực cho người bệnh. Trong khi người bệnh đang lên cơn hen việc này sẽ khiến bệnh nhân càng khó thở, nặng ngực và tức ngực hơn

Bước 4

– Sử dụng ngay thuốc điều trị dạng xịt, tác dụng nhanh như Ventolin hoặc Berodual. Nếu hen phế quản nhẹ, thường xịt 2 liều/lần là thuốc có tác dụng, cơn hen được cắt hiệu quả.

– Nếu sau 20 phút, cơn hen vẫn không giảm thì tiếp tục xịt thêm 2 liều, sau đó nếu triệu chứng vẫn không giảm thì xịt thêm 2 lần nữa và đưa bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu.

Bước 5

– Nếu là cơn hen phế quản nặng (lúc ngồi nghỉ cũng khó thở, nói không hết được nguyên câu, thở dốc): Xịt thuốc cắt cơn và đưa vào bệnh viện gần nhất.

Bước 6

– Nếu là cơn hen phế quản đe doạ tính mạng (tím tái, lú lẫn, vã mồ hôi, không thể nói chuyện được): Gọi ngay xe cấp cứu, trong thời gian chờ đợi xe thì phải xịt ngay 2 liều thuốc cắt cơn.

Tóm lại, bệnh nhân mắc bệnh hen cần tránh các yếu tố kích thích có thể khiến mình lên cơn khó thở, thậm chí nguy kịch đến tính mạng. Đồng thời bệnh nhân cần luôn mang bên mình thuốc cắt cơn khó thở. Bệnh nhân cùng người nhà cần nắm vững chế độ, kế hoạch phòng ngừa và điều trị bệnh hen theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn: Binhruamui.com